Ninh Tito - Food & Travel Vlogger

View Original

Công thức nấu Chè bưởi An Giang

#ninhcooking - Chè bưởi chắc hẳn là một món ăn tráng miệng quen thuộc và yêu thích của rất nhiều người bởi sự thơm ngon, thanh mát, kết hợp cùng vị béo của nước cốt dừa tạo cảm giác lạ miệng. Mặc dù các bạn có thể thấy món này nổi tiếng khắp các tỉnh miền Nam tuy nhiên ít ai biết món này có nguồn gốc từ An Giang. Vậy người dân ở mảnh đất sông nước này đã có công thức, bí quyết nào để món chè dân giã, bình dị thành món ngon quen thuộc của nhiều người đến thế? Cùng Ninh Tito khám phá công thức nhé!

Chè bưởi An Giang phiên bản ông Ninh nấu.

NGUYÊN LIỆU

  • 150g cùi bưởi khô

  • 200g đường thốt nốt An Giang

  • 80g đường phèn

  • 150g đường cát

  • Bột năng, muối

  • 200gram đậu xanh

  • 200ml nước cốt dừa

  • Tinh dầu bưởi hoặc bột vani

Các nguyên liệu này các bạn có thể mua lẻ ngoài các siêu thị hoặc tạp hóa bán đồ khô (gợi ý của Ninh là siêu thị Liên Hoa và nông sản Dũng Hà ở Hà Nội) hoặc các bạn có thể đặt sẵn ở rất nhiều shop trên shopee với giá khoảng 80-90k/set vừa (tham khảo tại đây).

CÁCH CHẾ BIẾN

Bước 1: Sơ chế cùi bưởi:

  • Rửa cùi bưởi khô qua để loại bỏ cặn bẩn trong quá trình phơi, sau đó ngâm trong nước ấm ~70°C cho cùi bưởi nở đều. Các bạn lưu ý vừa ngâm mình vừa thỉnh thoảng bóp nhẹ cho nó thấm nước và nở đều nhé, vì là cùi bưởi khô nên nếu không bóp nó sẽ có chỗ cứng chỗ mềm ăn không ngon nè.

  • Ngâm cùi bưởi trong 2 tiếng nếu thấy không còn chỗ nào trắng đục nữa thì vớt ra bóp nhẹ cho bớt bớt nước rồi để khô 15 phút cho ráo.

Ngâm tới khi cùi bưởi không còn trắng đục

Tuyệt đối đừng vắt kiệt hết nước sau khi ngâm mà chỉ vớt ra bóp nhẹ rồi để ráo nước tự nhiên

  • Ướp cùi bưởi với 150g đường cát trắng khoảng 20-30 phút cho ngấm. Các bạn nhớ để thật ráo trước khi ướp đường nhé!

  • Bật bếp với lửa nhỏ rồi đảo phần cùi bưởi cùng toàn bộ đường đến khi đường tan hết, đừng sên lâu quá vì cùi bưởi sẽ chảy nước ra mềm oặt luôn nè, chắc tầm 2 phút là ok rồi.

  • Tắt bếp, cho liền 2 muỗng canh bột năng vào đảo đều cho thấm vào cùi bưởi để làm áo cùi. Theo kinh nghiệm nhiều người chia sẻ mà mình có làm theo thì mình sẽ cứ đảo mỗi lần 2 thìa bột, khoảng 5-6 lần đến khi bột bên ngoài khô và cùi bưởi không còn ướt là được, để nghỉ khoảng 5 phút.

  • Đun nước với 1/2 thìa thìa cà phê muối cho sôi rồi cho cùi bưởi vào đun đến khi cùi bưởi trong lại, vớt ra thả ngay vào bát nước đá lạnh cho cùi bưởi se và giòn.

Áo thật nhiều lớp bột năng sẽ khiến cùi bưởi ăn ngon hơn

Các bạn nhớ đảo đều để các phần áo không bị dính vào nhau

Vớt cùi ra cho vào nước lạnh luôn để ăn thêm phần giòn và ngon

Bước 2: Sơ chế đậu xanh:

  • Đậu xanh rửa sạch, ngâm nước thường khoảng 5-6 tiếng cho mềm hoặc nếu không có thời gian các bạn ngâm nước nóng trong khoảng 2-3 tiếng thì vớt ra để ráo.

  • Các bạn bỏ vào hấp trong lửa nhỏ cho đến khi đậu chín tơi, ấn vào thấy bở ra thì để nguội. Các bạn có thể hấp trong nồi cơm điện như Ninh hay nồi hấp, có thể sử dụng giấy thấm dầu làm lớp lót rất dai và tiện hoặc bạn có thể sử dụng 1 miếng vải màn tuyn đều được.

Đậu xanh Ninh hấp bằng nồi cơm cũng ra gì phết đó!

Bước 3: NẤU CHÈ:

  • Hòa tan 200gr đường thốt nốt An Giang + 80g đường phèn vào 1,5 lít nước đun sôi. Đường thốt nốt của An Giang sẽ tạo cho nồi chè của mình màu nâu sậm bắt mắt, các bạn có thể sử dụng toàn bộ là đường phèn cũng được nếu không tìm mua được đường thốt nốt.

Đường thốt nốt An Giang sẽ tạo màu cho món ăn thật đẹp mắt!

  • Pha bột năng vừa đủ vào 200ml nước nhiệt độ thường cho bột tan hết, đổ hỗn hợp vào nồi nước đường đang đun sôi và đảo đều thật nhanh để bột năng không bị vón cục. Lưu ý là cho dần từng phần nước bột năng vào chứ đừng cho hết, phải theo dõi xem độ sệt của nước chỉ ở mức vừa phải chứ đừng đổ hết 1 lúc sẽ khó kiểm soát.

  • Cho cùi bưởi và đậu xanh đã sơ chế ở 2 bước trên vào đảo đều cho hòa quyện vào nhau. Nếu muốn thơm hơn bạn có thể cho tinh dầu bưởi hoặc vani vào lúc này luôn. Tắt bếp để nguội tự nhiên.

Pha bột năng với nước lạnh

Đễ dễ kiểm soát độ sệt, hãy cho từ từ nước bột rồi đảo đều tay thật nhanh, tránh vón cục

Cho nốt các nguyên liệu còn lại vào nồi

Tadaaa, nhìn ngon chưa nè?

Bước 4: Thưởng thức:

  • Các bạn có thể ăn chè kèm nước cốt dừa mua sẵn hoặc mua gói bột về pha với nước ấm để dậy mùi thơm, béo

  • Món này ngon hơn khi ăn lạnh. Tốt nhất là để tủ lạnh qua 1 đêm rồi hôm sau ăn sẽ rất ngon và mát.

  • Nếu ngọt hoặc quá sệt, có thể cho thêm vài viên đá.

  • Chúc các bạn thành công!