Ẩm thực bây giờ cũng phải đi cùng “thử thách” – hướng đi mới dành cho các food vlogger?

Nếu là một người hay theo dõi các food vlogger trên mạng xã hội cả Việt Nam và nước ngoài, hẳn bạn cũng có thể nhận ra một điểm khá giống nhau: tất cả đều thi nhau làm thử thách (challenge)! Từ thử thách ăn món siêu to khổng lồ, ăn theo màu, theo tên… tất cả đều nhận được sự hưởng ứng và quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Phải chăng, đây chính là hướng đi mới dành cho các food vlogger?

Nội dung đơn giản, sức hút khổng lồ

Dạo quanh một vòng Youtube, có thể thấy vô vàn những “thử thách triệu view” đến từ rất nhiều các gương mặt vlogger về đồ ăn. Thậm chí, một thử thách dù có rất nhiều người làm vẫn mang về số lượt xem khủng khiếp, chứng tỏ sức hút không hề nhỏ của trào lưu nội dung này đối với giới trẻ.

Nguồn gốc của các trào lưu thử thách ăn uống có lẽ bắt đầu từ sự xuất hiện của trào lưu mì cay. Nhà nhà, người người đổ xô đi mua những gói mì với hương vị nóng, cay xé lưỡi, sau đó quay lại cảnh bản thân cố ăn cho bằng hết gói mì màu đỏ trong nước mắt. Cơn sốt mì cay bắt đầu khiến nhiều người nhận ra tiềm năng của việc thực hiện các thử thách trên mạng.

Nếu như công chúng Việt Nam lâu nay vẫn quen mặt với một vài cái tên vlogger đã gia nhập showbiz đình đám như JVevermind, Huyme, An Nguy… thì có những gương mặt mới đang ngày càng lớn mạnh với số lượng người đăng ký kênh, lượt view “vượt mặt” cả những ngôi sao hạng A, tất cả nhờ vào việc thực hiện thử thách trên mạng. Cho dù nội dung được đánh giá là “một màu”, “thiếu sáng tạo” và “lặp đi lặp lại”, họ vẫn đang trên đà chứng minh độ hấp dẫn của mình chỉ với những video thực hiện thử thách ăn uống. Một ví dụ điển hình cho thấy sự “màu mỡ” và tức thì của mảng nội dung này chính là Bà Tân Vlog với 3.3 triệu sub chỉ trong vài tháng – vượt mặt JVevermind chỉ 1.8 triệu sub.

Ninh Tito – một gương mặt food vlogger quen thuộc tại Hà Nội cũng không đứng ngoài trào lưu này. Các thử thách anh thực hiện như “Ăn chỉ toàn màu đỏ trong 24h” hay “Mua theo người đi trước” đều được đón nhận nồng nhiệt với số lượt xem lớn, thậm chí còn có thể làm được cả phần tiếp theo.

Lý giải cơn sốt

Đi tìm lời giải cho cơn sốt nội dung này, có lẽ phải nhìn sâu vào tâm lý người xem – những người quyết định mức độ thành công – thất bại của một trào lưu.

Chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi những thứ vượt ra khỏi giới hạn thông thường (các thử thách siêu to khổng lồ chẳng hạn), những thứ có vẻ khó nhằn (một ngày ăn toàn màu hồng thì ăn cái gì?), và những thứ tốn tiền (gọi theo người đi trước thực sự là một trò may rủi, mà nạn nhân chính là chiếc ví!). Như vậy, có thể coi lý do đầu tiên chính là vì người xem thích thú với những hoạt động khác biệt với cuộc sống bình thường.

Không chỉ dừng lại ở đó, mức độ giải trí của video cũng góp phần nhiều làm nên thành công của nó. Mặc dù một video ăn toàn đồ màu vàng khó có thể đem lại giá trị giáo dục hay nhân văn gì, thế nhưng nó lại thành công trong việc truyền tải tiếng cười, hoặc giải tỏa căng thẳng của người xem. Trong xã hội hiện tại với nhiều rối ren về cuộc sống, bất đồng, chiến tranh, đói nghèo…, người ta thường có xu hướng tìm đến một trong hai dòng nội dung: tích cực và tiêu cực (điển hình cho sự thịnh hành của nội dung tiêu cực chính là trái trứng Gudetama của Nhật). May mắn thay, các trào lưu ăn uống vô thưởng vô phạt này được xếp vào hạng nội dung tích cực, mang lại niềm vui và tính giải trí cho người xem.

Gudetama là một ví dụ điển hình cho nội dung mang tính chất buồn bã, tiêu cực - xuất phát từ chính tình trạng cảm xúc của phần đông người Nhật.

Gudetama là một ví dụ điển hình cho nội dung mang tính chất buồn bã, tiêu cực - xuất phát từ chính tình trạng cảm xúc của phần đông người Nhật.

một cuộc đua tiêu cực?

Dù đây là một trào lưu hấp dẫn và có thể đem về doanh thu khổng lồ cho người làm ra nó, các thử thách ăn uống vẫn có những mặt xấu nhất định.

Đầu tiên, có thể thấy sự bành trướng quá nhanh chóng của các trào lưu này dẫn để cả các loại nội dung tốt và nội dung xấu – chỉ chực ra thật nhiều để tối đa hóa lợi nhuận, không quan tâm về vấn đề đạo đức, nội dung hay môi trường mà nó có thể gây ra. Gần đây, một vlogger đã thực hiện thử thách “đổ 200 quả trứng sống lên đầu mẹ” để ăn mừng 200,000 sub khiến rất nhiều người phẫn nộ. Lượng người dùng quá lớn nhưng hệ thống kiểm duyệt, quản lý nội dung chưa chặt chẽ và hiệu quả của Youtube cũng khiến nhiều người lách luật, mang đến các nội dung phản cảm cho cộng đồng.

Đối với những vlogger, các thử thách này cũng tốn rất nhiều tiền để thực hiện. Tỉ lệ thuận với mức độ tăng trưởng của kênh, các thử thách cũng phải càng ngày càng “bạo”, mạnh tay đầu tư với mong muốn nhận về sự hưởng ứng lớn hơn nữa từ cộng đồng mạng. Dần dà, việc này biến thành một cuộc đua không hồi kết, tiêu tốn và lãng phí nhiều đồ ăn, tài nguyên thiên nhiên.

Vlog “Thử thách gọi đồ ăn theo người đi trước” của Ninh Tito được cộng đồng mạng đánh giá cao với hành động đẹp: đem tặng các món đồ ăn mua thừa cho người lao động, mang lại niềm vui cho người khác.

Vlog “Thử thách gọi đồ ăn theo người đi trước” của Ninh Tito được cộng đồng mạng đánh giá cao với hành động đẹp: đem tặng các món đồ ăn mua thừa cho người lao động, mang lại niềm vui cho người khác.

Liệu có dài lâu?

Cũng giống như một con dao hai lưỡi, các thử thách về đồ ăn có lẽ không phải là một lựa chọn dài lâu dành cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp làm Youtuber. Sự phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc nó cũng có thể thoái trào rất nhanh. Lại lấy Bà Tân Vlog ra làm ví dụ - sau khi đã đạt đến cột mốc 3.3 triệu sub và làm mưa làm gió từ mạng xã hội đến TV, bây giờ cũng không còn mấy ai nhắc đến nữa. Nếu tiếp tục theo đuổi những nội dung như vậy mà không biết cách đổi mới, không thức thời thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, bởi lẽ công nghệ đang phát triển rất nhanh – và song song với nó chính là các trào lưu mới được sinh ra liên tục.

Nguyễn Đồng Minh Hiếu

Previous
Previous

Làm chủ cán cân cuộc sống // Ninh Tito x SSStutter

Next
Next

Ninh Tito – chàng trai được Facebook và Google “ưu ái” nhất Việt Nam: Vì đâu mà đạt thành tựu “khủng” đến thế?