Hội food blogger và travel blogger “sống sót” qua mùa dịch như thế nào?
HHT - Với đặc thù công việc phải di chuyển “bốn phương tám hướng” nên khi buộc lòng “bó chân” tại nhà vì dịch COVID-19, các travel/ food blogger đã thích nghi thế nào để vừa sản xuất "content" đều đặn vừa đảm bảo an toàn cho bản thân?
Ninh Tito hào hứng chia sẻ: “Hầu như những công thức nấu ăn Ninh chia sẻ đều được các bạn hưởng ứng và làm theo nhiệt tình. Tối nào cũng một “núi” story với ảnh khoe thành quả mà Ninh vui “chóng cả mặt”. Nào là món pizza mì tôm, bánh chuối giòn đến bánh tráng nướng, thịt nướng kiểu Hàn... rất nhiều món luôn! Từ đó mà tay nghề nấu nướng của “ông Ninh” cũng lên nhiều lắm. Bên cạnh đó, việc ra video giữa mùa “nghỉ Tết dài hơi” cũng khiến Ninh có thêm nhiều view và fan nữa *cười tít mắt*. Rất nhiều bố mẹ ông bà của các bạn cũng cùng xem và vào bếp nấu nướng cùng con cháu luôn!”.
Trong khi đó, Ăn Sập Sài Gòn đã nhận hẳn “10 điểm đáng yêu” và “bỏ túi” không ít lượt theo dõi mới cho trang review của anh với “sứ mệnh” vừa hỗ trợ các quán ăn vượt qua mùa dịch bằng cách chia sẻ các dịch vụ delivery, vừa khuyến khích các bạn trẻ đặt hàng giao tận nhà, hạn chế ra đường nhằm đảm bảo an toàn đấy!.
Dù bận “chống chọi” với những hạn chế giữa dịch bệnh, các food blogger vẫn không quên lập ra những dự định cho bản thân khi mùa dịch qua đi. Ăn Sập Sài Gòn cho biết sẽ quay trở lại review các hàng quán ở Sài Gòn như trước, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì những video hướng dẫn nấu ăn, chỉnh ảnh trong mùa dịch nếu được các fan ủng hộ.
Ninh Tito bật mí: “Hiện tại Ninh đang có vài dự định đáng nhẽ đã thực hiện rồi nhưng bất ngờ “cô Vy” lại lao ra đứng chặn giữa đường. Ninh chỉ mong dịch sớm chấm dứt để thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất, và bản thân Ninh cũng sẽ được quay trở về với cuộc sống đời thường thôi. Khi hết dịch, mọi người nhớ ủng hộ những kế hoạch bí mật của Ninh nhé!”.
Thường ngày, các food blogger đều check-in đằng Đông, review đằng Tây, khám phá đủ loại mỹ vị nhân gian nên khi các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, team food blogger cũng… chưng hửng.
May mắn thay, dù đa số các quán ăn đều đóng cửa nhưng cũng có không ít nơi chỉ ngưng phục vụ tại quán và vẫn giao hàng tận nơi. Nhờ vậy mà các “quân sư bao tử” vẫn có thể đảm bảo sản xuất nội dung và đăng tải đều đặn trên các trang mạng xã hội bằng cách review thức ăn tại gia hoặc mở hẳn chuyên mục: Muốn ăn thì lăn vào bếp.
Food blogger Ăn Sập Sài Gòn chia sẻ: “Thời gian đầu dịch bệnh còn chưa bùng phát, mình cố gắng dồn công việc lại 2 - 3 ngày trong tuần và tranh thủ thử nhiều quán trong một ngày để chuẩn bị sẵn content dự trù phòng tình hình dịch bệnh chuyển biến tiêu cực”.
Tương tự với Ăn Sập Sài Gòn, food blogger Ninh Tito cũng gặp không ít khó khăn khi làm việc trong mùa dịch: “Nếu như bình thường ngày nào Ninh cũng quay, cũng chụp thì bây giờ phải dồn lịch lại, một ngày quay 1 - 2 video hoặc chụp vài bức ảnh, sau đó thực hiện các công đoạn hậu kỳ như chỉnh sửa và đăng lên dần. Cũng vất vả phết đấy!”.
Mặc dù lịch trình cá nhân bị xáo trộn, cần thời gian thích nghi với việc #work_from_home, thế nhưng trải nghiệm lần này cũng đem đến không ít niềm vui, rút ngắn khoảng cách giữa fan và food blogger.
Travel blogger Vinh Gấu chia sẻ: “Điều làm anh thấy thích thú khi làm việc mùa này là có thể làm việc ở nhà, có nhiều thứ trong tủ lạnh để ăn, mệt quá thì nằm trên sofa một chút hoặc là cầm bình nước ra tưới những chậu rau mới trồng đang lên lún phún để giải trí mùa dịch - những điều đơn giản giúp tinh thần sảng khoái hơn nhưng anh lại không có nhiều thời gian để làm trong những ngày bình thường vì bận tối mặt để làm việc ở công ty, tới cuối tuần lại xách balo lên và đi. Mọi thứ trở nên chậm hơn và anh có nhiều thời gian để trau chuốt bài viết hơn nữa”.
Tận hưởng thời gian nghỉ ngơi lý tưởng này, “hội xê dịch” vẫn đều đặn kế hoạch về những chuyến đi trong tương lai. Đối với Lý Thành Cơ, anh sẽ bắt đầu các chuyến đi xúc tiến du lịch và tích cực gửi đến người hâm mộ những nội dung mới nhất khi “mùa tết” bất đắc dĩ này kết thúc.
Về phần mình, Vinh Gấu cũng cho biết sẽ “bung” ra những bài viết về các chuyến đi trước đó của anh bị hoãn lại do “cô Vy”. Ngoài ra, anh cũng không quên nhắc nhở mọi người vẫn phải đề phòng và không nên bỏ qua các biện pháp bảo vệ bản thân.
So với các food blogger thì có lẽ tình hình của hội travel blogger có vẻ “ảm đạm” hơn. Chính vì bị “chôn chân” tại nhà như thế nên số lượng nội dung mùa này của các “sứ giả vi vu” cũng trở nên khan hiếm khi không thể chia sẻ thông tin điểm đến hay các tip du lịch như trước.
Travel blogger Lý Thành Cơ tâm sự: “Dịch bệnh làm nhu cầu tìm hiểu thông tin về du lịch giảm sút hẳn, dẫn đến lượng view, tương tác trên blog và fanpage của Cơ sụt giảm nghiêm trọng. Điều này khiến mình cũng có phần căng thẳng vì khi tương tác, lượt xem giảm sẽ cần thời gian khá lâu mới phục hồi trở lại. Ngoài ra, các hợp đồng quảng cáo cũng vì thế giảm sút nên mình bị giảm rất nhiều thu nhập từ công việc travel blogger”.
Nhưng không vì thế mà hoạt động của các travel blogger dừng lại hoàn toàn đâu nha. Blog cá nhân của Lý Thành Cơ đăng bài thường xuyên về những thông tin liên quan đến du lịch trong thời điểm nhạy cảm này như hướng dẫn cách đổi vé - hoàn vé, cập nhật về tình hình xét duyệt visa của các lãnh sự quán… Anh cho biết, những thông tin trên được bạn đọc đặc biệt quan tâm đến nên phần nào giúp anh duy trì tương tác trên kênh của mình. Đồng thời anh cũng tận dụng thời gian này để chỉnh sửa lại những bài blog cũ, cập nhật những xu hướng mới và chăm chỉ tương tác với các fan hơn.
Tuy có không ít khó khăn khi phải hạn chế, thậm chí ngưng hoàn toàn công việc liên quan đến du lịch. Thế nhưng, nhìn từ một góc độ tích cực hơn, các travel blogger đều đồng ý rằng đây là cơ hội hiếm có để thư giãn và “sạc pin” cho bản thân sau chuỗi ngày di chuyển không ngơi nghỉ.
Trong thời gian #stayathome này, bạn có thể đặt mua online qua fahasa.com cuốn sách Ăn sập Châu Á do Hoa Học Trò xuất bản. Đây là cuốn sách tôn vinh ẩm thực châu Á với sự tham gia của những “gương mặt vàng trong làng ăn uống” như: Ăn Sập Sài Gòn, Ninh TiTo, Lý Thành Cơ, Vinh Gấu và nhiều food/ travel blogger nổi tiếng khác. Không chỉ là một cuốn cẩm nang ẩm thực theo chân bạn trên các chuyến du lịch đến các nước châu Á, cuốn sách này còn truyền cho bạn những cảm hứng và hiểu biết về nền ẩm thực các quốc gia phương Đông phong phú về hương liệu và tinh tế trong cách chế biến.
Vì sao dân Thái thích mê những thử thách chua cay trong món ăn? Vì sao món thịt bò đắt đỏ nhất Nhật Bản lại cuốn hút đến vậy? Vì sao thịt nướng trở thành biểu tượng ẩm thực Hàn Quốc? Vì sao đến Đài Loan không thể bỏ qua món mì?… Những câu chuyện ẩm thực hấp dẫn sẽ đưa bạn du hành khắp châu Á cùng các food blogger và travel blogger trong cuộc hành trình… ngon chảy nước miếng.
Nguồn bài viết: Hoa Học Trò Online